
Tại cuộc họp, Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn Quốc gia đã trình bày đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/25.000. Theo đó, phạm vi nghiên cứu là toàn bộ ranh giới hành chính huyện Bình Liêu( 06 xã, 01 thị trấn) với quy mô, diện tích lập quy hoạch khoảng 47.075,72 ha.
Với mục tiêu, Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bình liêu góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp, tiềm năng và lợi thế của địa phương để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, văn hóa xã hội phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng an ninh vững chắc; hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Bình Liêu giàu mạnh, văn minh, là huyện có bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội của Tỉnh. Xây dựng các tiêu chí hướng tới: hình thành huyện Nông thôn mới điển hình năm 2023; phấn đấu và xây dựng thị trấn Bình Liêu đến năm 2030 thành đô thị loại IV trên cơ sở đảm bảo các tiền đề cho phát triển đô thị trung tâm Bình Liêu tương lai. Đề xuất phát triển hệ thống đô thị, các khu dân cư nông thôn tập trung trên cơ sở khai thác lợi thế đô thị miền núi của huyện Bình Liêu, phát triển không gian phát triển nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng, du lịch cộng đồng; tổ chức hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông và phân bố các công trình hạ tầng kỹ thuật, tổ chức môi trường bền vững ở đô thị và nông thôn. Xây dựng các tiêu chí hướng tới hình thành huyện nông thôn mới điển hình, đảm bảo các tiền đề cho phát triển đô thị trung tâm Bình Liêu tương lai. Làm cơ sở pháp lý để lập quy hoạch nông thôn và các dự án đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật huyện, đồng thời cũng là căn cứ quan trọng để triển khai các quy hoạch chuyên ngành, dự án đầu tư và là tiền đề để thu hút phát triển trên địa bàn huyện.
Đồ án cũng tập trung làm rõ về: tổng quan hiện trạng; tiền đề phát triển; dự báo sơ bộ phát triển; định hướng phát triển không gian vùng; định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật; đánh giá môi trường chiến lược; kinh tế xây dựng…
Thảo luận về đồ án, đại diện các Sở, ngành tỉnh và các đồng chí trong BTV Huyện ủy đề xuất đơn vị tư vấn cần xem xét, làm rõ, đánh giá kỹ các vấn đề liên quan đến: định hướng về giao thông; điện gió; tính chất; nhiệm vụ; quy mô; tỷ lệ đô thị hóa; phân vùng; kiên kết vùng; định hướng phát triển không gian vùng; quy hoạch môi trường; quy hoạch hệ thống thoát nước thải…

Phát biểu kết luận, đồng chí Dương Mạnh Cường – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy cảm ơn lãnh đạo các Sở đã tham gia đóng góp ý kiến vào đồ án, đồng chí mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tham gia góp ý của các Sở, ngành Tỉnh.
Ghi nhận sự nỗ lực của UBND huyện và đơn vị tư vấn trong thời gian qua để xây dựng đồ án, đồng chí mong muốn tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện đồ án trong thời gian sớm nhất, đảm bảo chất lượng và tính khả thi. Đồng chí Bí thư Huyện ủy đề nghị đơn vị tư vấn cần đánh giá kỹ hiện trạng, bổ sung cập nhật đầy đủ các Quy hoạch đã được phê duyệt vào đồ án; bổ sung cập nhật hiện trạng kinh tế xã hội huyện Bình Liêu, đặc biệt là giai đoạn 2016 – 2021 và 6 tháng đầu năm 2022. Phân tích, cập nhật, làm rõ các lợi thế tiềm năng xu hướng phát triển của Bình Liêu trong tổng thể của tỉnh, quy định tiêu chí NTM. Liên quan đến mục tiêu, tính chất, quan điểm cần bám sát vào Nghị quyết số 06 – NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đồng thời, làm rõ NTM điển hình của Bình Liêu, bám sát tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó nông thôn phải tiệm cận với đô thị.
Đối với các căn cứ cần bổ sung thêm: Nghị quyết số 09-NQ/TU về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 01 “Về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Đối với động lực phát triển cần bám sát vào 4 động lực chính, trong đó: lấy kinh tế thương mại cửa khẩu làm trọng lực; lấy phát triển lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến; phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, lấy văn hóa làm động lực phát triển; phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên thông tổng thể, kết nối vùng. Định hướng về phát triển cần có nghiên cứu đột phá hơn trong phát triển giao thông ở tầm nhìn 2040, có kế thừa đề án kết nối giao thông huyện Bình Liêu - Ba Chẽ - Tiên Yên.
Đồng chí cũng lưu ý đến định hướng phát triển không gian, phân vùng, định hướng quy hoạch; du lịch gắn với đô thị; phát triển y tế, giáo dục; hệ thống giao thông. Đối với các điểm dân cư nông thôn cần lưu ý nghiên cứu kỹ để phù hợp với điều kiện địa hình của Bình Liêu nhằm tạo quỹ đất ở cho đồng bào dân tộc, tăng quỹ đất dự trữ và đất hỗn hợp. Đồng chí cũng đề nghị đơn vị tư vấn làm rõ hệ thống cấp thoát nước; đối với điện gió cần nghiên cứu tại khu vực phía Bắc. Bên cạnh đó, các phòng ban chuyên môn tiếp tục nghiên cứu sâu, kỹ để tham gia với đơn vị tư vấn đặc biệt là các số liệu./.