Luật Lâm nghiệp năm 2017, có 12 Chương với 108 Điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 có rất nhiều điểm mới, nhiều quy định bổ sung được Luật hóa thay vì các quy định trong các thông tư, nghị định trước đây. Cụ thể như:
Luật Lâm nghiệp đã mở rộng phạm vi điều chỉnh xác định lâm nghiệp là một ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù, từ hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản, gồm tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng (Điều 2). Luật đã khẳng định lâm nghiệp là ngành kinh tế - xã hội có liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp, từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản; khẳng định ngành Lâm nghiệp vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, vừa phát huy giá trị xã hội là thích ứng với biến đổi khí hậu với đòi hỏi phải quản lý bền vững.
Luật quy định một số điểm mới khác về định nghĩa rừng, bổ sung thêm các loại rừng (đối với rừng đặc dụng có thêm rừng tín ngưỡng; rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia; đối với rừng phòng hộ có thêm rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; rừng phòng hộ biên giới).
Luật đã thể chế hóa chế định sở hữu rừng (Điều 7) theo quy định của Hiến pháp năm 2013; Thay thế Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ở 4 cấp bằng quy hoạch lâm nghiệp quốc gia; Quy định quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác do Chính phủ phê duyệt (Điều 14). Luật hóa cụ thể những điều kiện khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, đặc biệt là phải có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế.
Đổi mới chính sách lâm nghiệp; không quy định giao rừng có thu tiền sử dụng rừng mà thay thế bằng hình thức cho thuê rừng; mở rộng hơn quyền hưởng lợi của chủ rừng đối với rừng tự nhiên phục hồi, rừng nghèo.
Luật cũng có nhiều quy định mới và rất quan trọng như: Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (Điều 21), quy định quản lý rừng bền vững (Điều 27, Điều 28); quy định về dịch vụ môi trường rừng (Điều 61 đến Điều 65), quy định về chế biến và thương mại lâm sản (Điều 66 đến Điều 72), quy định về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (Điều 95), quy định về khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp (Điều 96 đến Điều 99).
Về đổi mới tổ chức quản lý ngành lâm nghiệp, Luật đã quy định khung về cơ quan có chức năng tham mưu quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp và tổ chức kiểm lâm.
Khi triển khai Luật Lâm nghiệp, Bình Liêu gặp nhiều thuận lợi khi được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp trong triển khai thực hiện Luật và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Bên cạnh đó còn có sự phối hợp của các ngành: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Thông tin và Truyền thông, các tổ chức Đoàn, hội, các Nhà trường trong công tác tuyên truyền, phổ biến Luật, trong công tác phối hợp hoạt động thực hiện nhiệm vụ được giao; có sự đồng thuận, tiếp thu nghiêm túc, cầu thị của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng (chủ rừng) trong việc tổ chức thực hiện Luật và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Đặc biệt, Luật Lâm nghiệp với những quy định mới, quan tâm hơn đến những người trực tiếp tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng, trao quyền cho người trực tiếp sản xuất trong quản lý, khai thác, chế biến lâm sản đã tạo sự đồng thuận trong đông đảo nhân dân.

Rừng gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người dân
Bên cạnh những thuận lợi, còn nhiều khó khăn khi triển khai Luật có thay đổi về cơ chế, chính sách so với trước đây, nên các đơn vị chủ rừng, các địa phương vẫn còn những bỡ ngỡ nhất định, tạo ra sự dè dặt trong quá trình thực hiện, áp dụng. Khi triển khai, còn thiếu sự đồng bộ với các quy định của Luật Đất đai, Luật đầu tư. Cụ thể: Tại Điều 14, Điều 15 quy định về giao rừng, cho thuê rừng đồng bộ với giao đất, cho thuê đất, tuy nhiên không xác định việc cho thuê rừng có thông qua đấu giá quyền sử dụng rừng hay không. Rừng tự nhiên với những đặc thù nhất định, cần được quy định rõ việc đấu giá hay không đấu giá để tạo hành lang pháp lý cho các địa phương khi triển khai công tác giao rừng, cho thuê rừng.
Để đảm bảo việc thi hành Luật Lâm nghiệp năm 2017 thực sự có hiệu quả, tạo bước đột phá trong phát triển ngành lâm nghiệp, huyện Bình Liêu tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho các xã, thị trấn, các đơn vị chủ rừng./.