Tại các đơn vị, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở (CĐCS) phối hợp với Hội đồng trường, Hiệu trưởng nhà trường tổ chức rà soát, bổ sung sửa đổi hoặc xây dựng mới và giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của đơn vị theo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ; Nghị định 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Thông tư 01/2016/TT-BNV ngày 13/01/2016 của Bộ Nội vụ; Thông tư 11/2020/TT-BGĐT ngày 19/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập; Thông tư 40/2021/TT-BGDĐT ngày 30/2/2021 của Bộ GD&ĐT về Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục và Hướng dẫn số 11/HD-TLĐ ngày 14/3/2024 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Trường TH Hoành Mô ký kết giao ước thi đua năm học 2024-2025
Liên đoàn Lao động và Phòng GD&ĐT huyện yêu cầu các nhà trường thực hiện nội dung quy chế dân chủ trong hoạt động của đơn vị phải thể hiện đầy đủ và cụ thể hóa những quy định pháp luật về trách nhiệm của Hiệu trưởng, nhà giáo, cán bộ quản lý, NLĐ, Hội đồng trường, người đứng đầu tổ chức đoàn thể và Ban Thanh tra nhân dân trong đơn vị; những việc Hiệu trưởng phải công khai, hình thức, thời điểm và thời gian công khai; những việc và hình thức để nhà giáo, cán bộ quản lý, NLĐ và người học tham gia ý kiến, tham gia giám sát, kiểm tra; trách nhiệm của Hiệu trưởng và của nhà giáo, cán bộ quản lý, NLĐ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan...Đồng thời, Quy chế dân chủ trong hoạt động của đơn vị phải có nội dung quy định cụ thể về tổ chức đối thoại tại đơn vị: Nội dung đối thoại, số lượng, thành phần tham gia đối thoại, thời gian, thời điểm đối thoại, quy trình tổ chức đối thoại. Đối thoại được thực hiện thông qua việc trao đổi trực tiếp giữa nhà giáo, cán bộ quản lý, NLĐ với Hiệu trưởng hoặc giữa Ban Chấp hành CĐCS với Hiệu trưởng, được thực hiện định kỳ ít nhất mỗi năm học một lần hoặc khi một bên có yêu cầu.
Bên cạnh đó, Ban Chấp hành CĐCS cũng đã chủ động đề xuất xây dựng, bổ sung, sửa đổi các nội quy, quy chế trong đơn vị đảm bảo quyền, lợi ích, nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà giáo, cán bộ quản lý, NLĐ và người đứng đầu đơn vị, phù hợp với tình hình thực tế và quy định của pháp luật...
Quang cảnh Hội nghị tại Trường MN Đồng Văn
Tại các hội nghị, các nhà trường tập trung báo cáo đánh giá, tổng kết và kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện kế hoạch công tác năm, đánh giá việc thực hiện nghị quyết của năm học trước… đồng thời dành thời gian để nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động tham gia ý kiến vào các dự thảo báo cáo, văn bản trình bày tại hội nghị, làm rõ kết quả đạt được và hạn chế tồn tại trong năm học trước, đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả việc nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đội ngũ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, giáo viên và các chế độ chính sách liên quan tới giáo viên, học sinh, các chỉ tiêu sẽ thực hiện trong năm học 2024 - 2025...
Thông qua hội nghị nhằm phát huy quyền dân chủ trực tiếp của cán bộ, viên chức, người lao động trong việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của nhà trường; phát huy sức mạnh tập thể và năng lực của mỗi cán bộ nhà giáo, người lao động và tổ chức đoàn thể trong trường học thực hiện tốt nhiệm vụ năm học và xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh...