Những năm qua, công tác chăm sóc trẻ em được cấp ủy, chính quyền địa phương, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan chuyên môn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em. Chỉ tính từ tháng 6/2024 đến nay các cơ quan ban ngành đã phối hợp tặng quà, thực hiện chế độ chính sách cho trẻ em nhân dịp tết thiếu nhi 1/6 với tổng trị giá hơn 205 triệu đồng; phối hợp với Hội bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Ninh và các nhà hảo tâm hỗ trợ 10 xe đạp; 55 suất quà tặng cho trẻ khuyết tật và trẻ mồ côi; tiếp nhận và xử lý 80 hồ sơ liên quan đến trẻ em. Triển khai và thực hiện tốt phong trào nhận đỡ đầu, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mất nguồn nuôi dưỡng trên địa bàn huyện, 100% trẻ đã được các cơ quan, đơn vị nhận trợ giúp, đỡ đầu (47 trẻ).
Công an huyện nhận đỡ đầu cháu Tằng Thị Nga - thôn Phai Làu, xã Đồng Văn
Công tác quản lý được thực hiện một cách hiệu quả, đảm bảo mọi trẻ em trên địa bàn huyện đều được chăm sóc, giáo dục như nhau. Số trẻ em dưới 16 tuổi 9292 trẻ, trong đó, trẻ em là người DTTS là 8.824 trẻ (94,5%); trẻ em dưới 6 tuổi 2.973 trẻ; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn 407 trường hợp…
Các hoạt động truyền thông nâng cao năng lực cho cán bộ, cộng tác viên; cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ em được tổ chức rộng khắp. Tuyên truyền tới cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Đẩy mạnh việc truyền thông, giới thiệu, quảng bá về Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Đăng tải các khẩu hiệu, thông điệp Tháng hành động vì trẻ em trên cổng thông tin điện tử, Website, fanpage; treo băng zôn, khẩu hiệu tại cổng các trường học...
Đại diện các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh trao chứng nhận và kinh phí hỗ trợ đỡ đầu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Bình Liêu.
Có thể khẳng định, những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn huyện đã được thực hiện một cách đồng bộ từ huyện đến cơ sở, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc chăm lo cho trẻ em. Song, để công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được tốt hơn nữa, đồng thời tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức, Huyện uỷ đã chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp về công tác này, trong đó giải pháp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chúc đảng, chính quyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được đặt lên hàng đầu. Theo đó, Huyện yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đối với sự phát triển của thế hệ tương lai gắn với quá trình xây dựng huyện Bình Liêu ngày càng giàu đẹp, văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Đặc biệt, quán triệt đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn về kế hoạch thực hiện, để thống nhất nhận thức và hành động trong thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xà hội gắn với thực hiện định hướng chiến lược, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa, linh hoạt các hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em gắn với việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, tạo sức mạnh tổng hợp nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, bảo đảm cho trẻ em được thụ hưởng lợi ích tốt nhất, không bị phân biệt đối xử, được bày tỏ ý kiến và được lắng nghe…
Tặng quà cho 40 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân dịp Tết cổ truyền
Bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước, phân bổ nguồn lực hợp lý trong thực hiện chính sách đối với trẻ em; nâng cao cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em phù hợp với giai đoạn mới. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, công trình phúc lợi, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em; cung cấp dịch vụ xã hội, y tế, giáo dục, văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho trẻ em, nhất là ở cấp xã; tạo điều kiện để mọi trẻ em được phát triển toàn diện, được thụ hưởng các lợi ích tốt nhất từ thành quả phát triển kinh tế - xã hội của huyện...
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, bảo đảm trẻ em phải là trung tâm của chính sách, chiến lược phát triển, được ưu tiên lồng ghép trong chiến lược, kế hoạch, chương trình mục tiêu của huyện. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, để trẻ em luôn nhận được sự chăm sóc, yêu thương và bảo vệ của gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội. Thường xuyên rà soát các đối tượng để đảm bảo trẻ em được hưởng đầy đủ các chính sách xã hội kịp thời, công khai, minh bạch, không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.
Chú trọng, đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021- 2030; Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021- 2030; Chương trình can thiệp giảm tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030; Chương trình phòng ngừa, giảm thiếu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình chăm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023 - 2030 và các chương trình, kế hoạch, đề án khác có liên quan đến trẻ em...
Nâng cao năng lực, đạo đức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác trẻ em, cộng tác viên công tác xã hội, cộng tác viên ở cộng đồng dân cư. Nghiên cứu xây dựng mạng lưới cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em ở thôn, bản, khu phố và đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ liên quan công tác trẻ em ở cấp xã nhằm tăng cường công tác bảo vệ và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi xâm hại, bạo lực, bỏ rơi, mua bán, lạm dụng, xúi giục, kích động trẻ em... Xây dựng và triển khai có hiệu quả các chiến lược, chương trình chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, tầm vóc, giảm nhanh tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi của trẻ em.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Trường MN Húc Động
Nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch cho trẻ em. Xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo đảm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em từ sớm, liên tục, toàn diện. Các cơ sở giáo dục phải đảm bảo tiêu chuẩn cơ sở vật chất, điều kiện thực hiện chương trình giáo dục theo định hướng phát triển trong từng giai đoạn; đến năm 2030, giữ vững tỉ lệ trường chuẩn quốc gia (đạt 100%). Chú trọng chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời. Thực hiện tốt các chương trình tiêm chủng mở rộng, can thiệp giảm tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi; Duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, đảm bảo đến năm 2030 hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,9%, cấp trung học cơ sở đạt 99,5%, cấp trung học phổ thông và tương đương đạt 98,0%; 100% trẻ em mầm non và học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, tiểu học, tạo tiền đề và bảo đảm điều kiện thuận lợi để mọi người dân đều có cơ hội hưởng thụ công bằng thành quả của nền giáo dục và sự phát triển của huyện. Chú trọng xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội an toàn, lành mạnh, thân thiện, bảo đảm cho trẻ em có cơ hội phát triển về thể chất, tinh thần, nhân cách, tài năng, trí tuệ.
Tăng cường bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên không gian mạng xã hội, những vấn đề ảnh hưởng đến phát triển toàn diện; không để trẻ em làm công việc ảnh hưởng đến học tập, sức khỏe, phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần. Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc và và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em. Tổ chức thực hiện hiệu quả, thiết thực phong trào "Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên tham gia cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ trợ thực hiện và giải quyết các vấn đề của trẻ em; đảm bảo quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được tham gia vào các vấn đề có liên quan trong gia đình, nhà trường…